Tản Mạn Chữ Nghĩa Ngày Xuân

12/02/20245:04 SA(Xem: 549)
Tản Mạn Chữ Nghĩa Ngày Xuân

blank
TẢN MẠN CHỮ NGHĨA NGÀY XUÂN

Tiểu Lục Thần Phong

 

khai but dau xuanHồi nào giờ nghe đã nhiều, thấy cũng không ít nhưng tôi có biết khai bút là gì. Viết được dăm bài báo với mớ thơ ấm ớ thì có đáng gì để trịnh trọng khai bút! Mấy nay lướt mạng xã hội thấy thiên hạ khai bút từ đêm giao thừa, tự dưng cũng ngứa ý muốn thử một lần xem sao.

Thông lệ xưa nay là thế, kể từ đêm giao thừa trở đi thì người viết lách khai bút múa chữ mừng năm mới. Ngày xưa các cụ khăn áo chỉnh tề, giấy mực sẵn sàng, đèn nến hương hoa đủ đầy… Các cụ khai bút viết những dòng chữ đầu tiên cho năm mới, hy vọng cả năm viết lách hanh thông, thơ văn lai láng, bút lực sung mãn, ý tứ dồi dào… Nghiệp chữ xem việc khai bút quan trọng lắm. Mà nào chỉ có các cụ trong vòng nghiệp chữ mới khai bút. Thiên hạ bá tánh đều khai trong ngày đầu năm mới, mỗi người tùy cái nghiệp và cái nghề của mình mà khai.

Tôi nhớ thuở nhỏ má tôi vẫn thường cúng ông sư (tức cúng tổ) vào ngày mùng mười âm lịch tháng giêng để khai trương mở hàng. Má tôi là tiểu thương, bà cũng như các tiểu thương khác đều cúng tổ khai trương vào mùng mười tháng giêng hàng năm. Những người mê tín thì trước khi cúng khai trương họ không mua bán bất cứ thứ gì, riêng má tôi thì ngày nào có người mua cũng bán, kể cả sáng mùng một tết. Tôi nhớ có lần hỏi má tôi: “ Cúng ông sư (tổ nghề mua bán) là cúng ai vậy má?” dĩ nhiên là má tôi chẳng biết ông tổ mua bán là ai (ngay cả bây giờ lục lọi đủ thứ tài liệu cũng chẳng thấy ghi ông tổ nghề mua bán là ai),  người ta cúng thì bà cũng cúng, xưa bày nay làm là vậy.

Các chùa Việt thuộc dòng Bắc truyền thì có truyền thống khai đàn Dược Sư, khai kinh Dược Sư vào ngày tết đầu năm và trì tụng cho đến rằm tháng giêng. Trong Phật giáo chúng ta vẫn thường nghe những từ khai sơn, ấy là chỉ cho người đầu tiên lập ra một ngôi chùa hay một viện nào đó. Rồi khai đạo, khai môn, khai tông, khai hệ, khai phái… là từ chỉ những dòng truyền thừa, pháp môn hay chi nhánh tông phái được lập ra. Trong Phật giáotruyền thống an cư (tức ở yên một chỗ), các dòng truyền thừa có khác nhau về thời gian nhưng thường có hai mùa là an cư kiết hạan cư kiết đông. Mỗi khi bắt đầu vào mùa an cư kiết hạ thì gọi là khai hạ hoặc khai trường hạ. Khai giá cũng là từ ngữ nhà Phật để chỉ việc mở con lối thoát (khai) và ngăn chặn việc phạm giới (giá).  Trong nhà Phật có một câu kinh rất nổi tiếng, hầu như Phật tử nào cũng biết, ấy là: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến” nghĩa là mở bày ra, chỉ cho chúng sanh thấy biết để mà đi vào cái thấy, biết của Phật”. Có lẽ cũng từ đây mà hai từ khai thị được dùng rộng rãi trong đạo Phật. Chư tổ khai thị cho hàng hậu học, các ông tăng khai thị cho đệ tử của mình, các vị thiện tri thức khai thị cho người hữu duyên. Người nào thâm nhập được tánh khôngbát nhã, thông đạt nghĩa lý sanh tử, chứng ngộ được tứ đế… thì kể như khai ngộ. Chữ khai thị âm gần với chữ khai trí nhưng nghĩa thì thâm sâu và rộng lớn hơn. Khai thị là từ ngữ thuần trong Phật giáo còn từ khai trí thì mang tính xã hội, dùng để chỉ rộng rãi việc truyền bá kiến thức, mở mang kiến thức, học vấn giáo dục. Chữ khai trí đã được dùng cho một nhà sách lớn ở miền Nam trước kia. Người lập nhà sách Khai Trí là ông Nguyễn Hùng Trương, ông có hoài bão lớn và năng lực cao, không chỉ lập nhà sách mà còn cả nhà in, xuất bản sách, nhập sách ngoại văn… với mong mỏi khai dân trí. Một khi nói đến văn hóa giáo dục khai trí thì thường cũng liên quan đến khai phóng. Miền Nam đã một thời có nền văn hóa giáo dục như thế.

Trong Phật giáo có cái lễ “Khai quang điểm nhãn”, ấy là khi một chùa hay một nhà  có tượng Phật mới thì thỉnh một vị thầy đến “Khai quang điểm nhãn” cho pho tượng. Xét về mặt nào đó thì việc này đem lại phần an tâm tin tưởng rằng tượng phật được “Khai quang điểm nhãn” sẽ linh thiêng, tuy nhiên nghĩ kỹ hơn một chút thì việc này rất bậy, vừa tự gạt mình và gạt người. Phật là đấng giác ngộ, trí huệ và đức tướng viên mãn. Phật là đấng từ phụ, là thầy của cả trời người, vậy thì có ông thầy nào cao hơn Phật để khai quang với điểm nhãn? Liên quan đến “Khai quang điểm nhãn” còn có “Hô thần nhập tượng”, rõ ràng hết sức tào lao. Phật còn có “thần” nào để nhập tượng? Ông thầy nào có năng lực “hô” để thần nhập tượng? Phật đã liễu sanh thoát tử, đã vô trụ niết bàn thì còn thần nào nhập?

Ngày tết mùa xuân ở xứ mình vào lúc vụ mùa đã xong, nông nhàn và bao nhiêu lễ hội được mở ra. Mùa xuânmùa thu là hai mùa nhiều lễ hội nhất của xứ nông nghiệp văn minh lúa nước. Hai mùa này nhiều lễ hội, nhiều cúng tế, nhiều chuyến hành hương… bởi vậy mà chúng ta thường nghe câu “Xuân thu nhị kỳ” là vậy. Ngày tết mùa xuân mọi người dập dìu trẩy hội mừng khai hội mùa xuân. Từ xưa đến nay xứ Bắc nước mình nhiều đền chùa, nhiều lễ hội, một trong lễ hộiliên quan nhiều đến chữ khai cũng như văn tự ấy là lễ khai ấn đền Trần. Người xưa thanh lịch lắm, trẩy hội đền Trần xem khai ấn xin chữ… hy vọng con cháu học hành tấn tới, thi cử đỗ đạc, quan lộ hanh thông… ngày nay thì hỏng cả rồi. Cả một biển người ô hợp chen lấn, đè đầu cỡi cổ thậm chí đánh nhau để giành giật những tờ giấy in dấu ấn đền Trần. Thường dân tranh, đại gia tranh, quan chức càng tranh dữ dội. Ấn đền Trần giờ trở thành món hàng mua bán, giấy in dấu ấn đền Trần trở thành vật hộ thân của bọn quan gia bất chính, tham lammê tín.

Một trong những lễ hội lớn nhất của nước mình, mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt ấy là lễ hội chùa Hương và lễ hội Yên Tử. Hàng năm khai hội vào mùa xuân, hàng chục vạn người trẩy hội, không chỉ nam thanh nữ tú mà ông già bà cả cũng nao nức. Không chỉ người có đức tin ở Phật mà ngay cả người có đức tin ở những tôn giáo khác cũng trẩy hội. Ngày nay thì cả bọn vô thần cũng rần rần trẩy hội chùa. Bọm mua quan bán chức, ma thần bán thánh càng hăng trẩy hội hơn hết. Bọn họ trẩy hội với mong muốn được phù hộ để thăng quan tiến chức, làm ăn phát tài, lọt lưới né luật... Chùa Hương và Yên Tử ngày xưa khai hội với biết bao nhiêu cái đẹp cái hay, ngày nay xem ra như chợ trời. Những con người thô tháo háo danh, mê muội, tham lam… trẩy hội làm hoen ố hình ảnh của lễ hội truyền thống Việt. Những lễ hội ở nước ta xưa nay thường có lễ rước kiệu, đó có thể là kiệu Phật, kiệu chúa, kiệu thánh thần, kiệu sắc phong… Những cỗ kiệu chế tác chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng rực rỡ, được cúng tế rất kỹ càng, mỗi khi đem ra dùng đều phải làm lễ cáo yết khai kiệu. Nói đến lễ hội thì không thể thiếu trống chiêng, cờ xí, tàn lọng… vì vậy mà có khai chiêng, khai trống...

Ngày xưa nước Việt ban đầu từ trung du Bắc Bộ rồi tiến xuống đồng bằng Bắc bộ, theo thời gian dòng người dần dần đi về phương Nam. Trước hết phải nói đến Ma Linh – Bố Chánh (tức Quảng Bình – Quảng Trị ngày nay), rồi cứ thế như tằm ăn dâu lấn vào Châu Ô – châu Rí ( tức Phú Xuân – Thừa Thiên), tiếp đến Đồng Dương – Đồ Bàn ( Quảng Nam – Bình Định), kế nữa là Tháp Chàm – Phan Rang… và cuối cùng là đồng bằng Nam bộ. Người Việt tiến về Nam đi khai khẩn đất đai lập làng xóm. Chữ khai khẩn này gắn liền với người Việt suốt chiều dài lịch sử, nhất là người Việt phương Nam. Nhờ khai khẩn mà bây giờ có một quốc gia từ Ải Nam Quan đến Mũi cà Mau.
Như đã nói ở trên, má tôi và những người kinh doanh mua bán đều cúng khai trương mỗi mùa xuân. Những doanh nghiệp càng lớn thì cúng khai trương càng rền rang, có múa lân, có xuất hành, có phong thủy, thầy cúng và bao nhiêu thứ linh tinh khác mà họ tin tưởng sẽ mang lại may mắn. Ngày nay có rất nhiều nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh khai trương rất rầm rộ (chữ trong nước là hoành tráng) và càng ầm ĩ bao nhiêu thì lại càng chết yểu sớm bấy nhiêu. Bởi vậy mà dân ta giờ có câu ngạn ngữ mới: “ Tưng bừng khai trương âm thầm đóng cửa”. Ngôn ngữvăn hóa nước mình chịu ảnh hưởng văn hóa và tiếng Tàu nên có nhiều câu liên quan đến khai trương như: “Khai trương đại phát”, “ Thuận buồm xuôi gió”, “Mã đáo thành công”…

Trong Truyện Kiều, có chi tiết các cô gái làng chơi ở thanh lâu, trút bỏ xiêm y, “Lấy hoa lót dưới chỗ nằm/ bướm ong bay lại ầm ầm bốn phương”, ấy chính là trò đốt vía khai hàng. Trong đời sống hiện nay, các cô gái ăn sương vẫn tin tưởng và vẫn làm như thế. Các cô đốt phong long, khai hàng, khai vía… để mong mua may bán đắt, được tổ độ ( tổ của lầu xanh chính là ông Quản Trọng, tướng quốc thời Tề Hoàn Công bên Tàu. Người này đã cho lập nhà nữ lư cho gái hành nghề phục vụ khách làng chơi. Bởi vậy mà thanh lâu thường thờ ông thần mày trắng làm tổ là vậy.)

Việt Nam cho đến bây giờ vẫn còn tục khai mả, nói nôm na là mở cửa mả. Thường sau khi chôn người chết được ba ngày, thân nhân người chết sẽ đem một con gà đến mả người chết cúng vái rồi thả cho con gà đi. Người ta tin tưởng như vậy là mở cửa để linh hồn người chết siêu thoát có thể đầu thai hay đi tái sanh. Sanh – tử luân hồi bất tận, có sanh ắt có tử, tử rồi lại, một khi có người mới ra đời thì phải làm khai sanh và cũng tương tự như vậy một khi có ai lìa trần thì phải khai tử. Sống chết đều phải khai, ấy là chưa nói trong quá trình sống còn có khai nghèo, khai giàu, khai thành công, khai thất bại, khai báo nọ kia đủ thứ chuyện đời.
Bọn học trò chúng ta ngày xưa cứ mỗi độ vào thu cũng là lúc mừng tíu tít, xúng xính quần áo mới, sách vở mới mừng khai trường, khai giảng, khai lớp hè, khai lớp bồi dưỡng… Rồi trong đời sống hàng ngày, những kẻ vì  lý do nào đó mà liên can đến pháp luật mà bị tra vấn thì thành thật khai báo, cung khai hoặc khai láo, khai man, khai gian…
Ngày xuân tản mạn chữ nghĩa mua vui, phàm những ai ít nhiều dính dáng đến chữ nghĩa cũng đều biết hay thực hành việc khai bút đầu năm.Thời gian vốn vô thủy vô chung, không có điểm dừng, chẳng có chia chẻ tháng năm hay ngày giờ. Mới cũ ấy là tự tâm, khai bút ấy là tập tục truyền thống. Người viết văn làm thơ khai bút âu cũng là một thú vui để tự “làm mới” mình, tự sách tấn bản thân, tự tạo thêm tin tưởng rằng khai bút đầu năm thì cả năm sẽ xuôi chèo mát mái, sẽ viết lách sung mãn, sẽ góp cho đời nhiều sản phẩm tinh thần. Khai bút đầu năm cũng là một tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp, đó cũng là dấu ấn của thời văn hóa chữ Nho còn lưu lại đến ngày nay.

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, Ngày tết Giáp Thìn

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60898)
18/01/2011(Xem: 88741)
07/02/2015(Xem: 12819)
27/01/2015(Xem: 24238)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.